Você está na página 1de 2

HÔN NHÂN LÀ GÌ

Ở nghi lễ văn minh phương Đông, việc một người đàn ông tử tế bỗng lo lắng
bối rối rồi chính thức đi cưới hỏi một người đàn bà thì trên chữ nghĩa người ta hay
gọi cái sự nghiêm trọng đấy là hôn nhân. Thời tít tắp chân thật của các bộ lạc xa
xưa, hôn nhân không quá rườm rà lích kích mang vẻ thùng thình đạo đức giống
như thời tối tân gần đây bây giờ. Theo sách “Ngữ lâm thú thoại”, thoạt kỳ thủy,
chữ “hôn” trong “kết hôn” của Hán tự được trong sáng viết giống hệt chữ “hôn”
trong “hoàng hôn”. Đấy là do con trai hồi ấy khi lấy vợ thì tiệc cưới thường tổ
chức vào lúc nhá nhem hoàng hôn chiều muộn. Cùng với lễ nghĩa hình thức lăng
nhăng phát triển, để tỏ vẻ phân biệt minh bạch người ta thêm chữ “nữ” vào trước
chữ “hôn” nguyên thủy nhằm chỉ việc gia tộc bên nam cưới vợ cho con trai. Tiếp
đến thời vị thế đàn bà được nâng hơn một tý (Xuân Thu Chiến Quốc 722 – 221
tr.CN) ngoài chữ “hôn” thì có thêm chữ “thú” (dùng cho nhà giai) và chữ “giá”
(dùng cho nhà gái).
Tại sao đàn ông ở thời trong veo ngày xưa nhất thiết lại tổ chức lấy vợ vào
lúc hoàng hôn. Cũng sách trên cho rằng, đây là hệ quả của tập tục cướp vợ trong
thời kỳ quá độ, xã hội đang chuyển từ chế độ mẫu quyền sang chế độ phụ quyền.
Để khẳng định vị thế nghênh ngang của mình, đàn ông hay hung hăng thích đi
cướp. Và đã là cướp giật thì ai chả chọn lúc tranh tối tranh sáng. Tuy nhiên khổ
một nỗi, giá đấy là vàng là bạc là công danh là sự nghiệp thì còn đỡ, đây hoàn toàn
thuần chỉ là đàn bà, cái của ăn cướp được này đích đáng là của bất hạnh. Đàn ông
sau khi liều lĩnh khênh cái của nợ ấy về nhà rồi thì hối hận lắm. Ở phương Tây, nơi
văn minh đẫm đầy tư tưởng Thiên Chúa giáo còn cực đoan hơn, việc ly hôn tuyệt
đối bị cấm. “Sự gì Thiên Chúa kết hợp, con người không được phép phân ly”
(Kinh Thánh). Bí tích hôn phối là một trong bảy bi tích thiêng liêng nhất. Trong
hôn lễ trang trọng tại nhà thờ, vì sợ chú rể rồi đây tỉnh táo sẽ tháo chạy, người ta
thường bắt cả hai bên đương sự đeo nhẫn cưới vào ngón tay áp út, một biểu tượng
tế nhị của sự ràng buộc xiềng xích. Theo Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc
trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội thì “nhẫn cưới là nguyên nhân gây ra
những rối loạn về khả năng tình dục, thậm chí làm đàn ông “bất lực”. Đây là kết
luận trong đề tài khao học nghiêm túc của bác sĩ Seigei Gagarin người Belarus”.
(Báo điện tử giadinh.netvn ngày 17-5-2008).
Nhiều thành tựu của ngành khảo cổ học cho thấy rằng hôn nhân đã có từ rất
lâu, lâu không kém gì nếu so với những tai họa mà nhân loại hay phải gánh chịu
kiểu như hỏa hoạn hay tai nạn giao thông, những tai họa không được gọi là thiên
tai mà thường là do sự nông nổi chủ quan bất cẩn của con người. Sử liệu thời
phong kiến cũng cho thấy lễ nghi cưới hỏi hồi ấy lằng nhằng lắm, đại loại là phải
có đủ “tam thư lục lễ”. Tam thư là ba lá thư do nhà trai gửi sang thông báo về việc
chuẩn bị sắp xếp hôn lễ. Còn lục lễ thì theo học giả Phan Kế Bính, gồm “Nạp thái,
vấn danh, nạp cát, nạp tệ, thỉnh kỳ, thân nghênh. Có chữ rằng, lục lễ bất trị trinh nữ
bất hành. Nghĩa là sáu lễ không đủ thì người gái trinh không đi. Sáu lễ ấy đái khái
phiên nôm sang ta mà thành lễ Dạm, lễ Hỏi, lễ Sêu, lễ Cưới…”. (Việt Nam phong
tục – trang 178-NXB Văn Học). Ở thời bây giờ các lễ này được gộp lại và đơn giản
hơn.
Hôn nhân vốn là một đại sự, và vì là việc lớn nên đương nhiên trong nó ẩn
nấp nhiều gian nan nguy hiểm, rất dể gây cho đám chú rể những tuyệt vọng không
đáng có. Tiểu thuyết gia kiếm hiệp Cổ Long cả đời độc thân vài lần suýt lấy vợ có
cảm thán: “Hôn nhân giống như nghĩa khí, biết là chuyện không đáng làm nhưng
không thể không làm”.
Không phải ngẫu nhiên mà tất cả đàn ông trong ngày cưới đều phảng phất có
vẻ của kẻ trượng phu đại hiệp.

Trần Khôi Việt.

Você também pode gostar